Vinh danh 12 “Doanh nghiệp xuất khẩu lao động tiêu biểu” năm 2023

1217

(NLĐO) – Ngày 27-12, Báo Người Lao Động đã tổ chức chương trình vinh danh 12 “Doanh nghiệp xuất khẩu lao động tiêu biểu” năm 2023.

Đây là các doanh nghiệp điển hình, xuất sắc trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, gồm:

Công ty CP Phát triển nhân lực và thương mại Việt Nam (Vinamex).

– Công ty TNHH Esuhai.

– Công ty TNHH Hợp tác Quốc tế Mai Linh.

– Công ty CP thương mại đầu tư và phát triển nguồn nhân lực (TRACIMEXCO).

– Công ty TNHH Đào tạo chuyển giao Lao động và Chuyên gia Haio (Haio Education).

– Công ty TNHH MTV Phát triển nhân lực Tocontap Sài Gòn.

– Công ty CP Nhật Huy Khang International (NHHK).

– Công ty TNHH Tập đoàn Quốc tế Sài Gòn (Saigon Intergco).

– Công ty CP Cung ứng Nhân lực Quốc tế và Thương mại (SONA).

– Công ty CP Xuất khẩu lao động và Dịch vụ thương mại Biển Đông (Estrala).

– Công ty CP Đầu tư Thương mại Quốc tế Sài Gòn Thiên Vương

– Công ty TNHH Tổ chức Tư vấn Giáo dục Quốc tế IECS.

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan và TS. Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động đã trao Giấy chứng nhận vinh danh cho đại diện công ty ông Cao Chí Cường – Phó Tổng Giám Đốc.

Tại chương trình, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan và TS. Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động đã trao Giấy chứng nhận vinh danh cho đại diện 12 doanh nghiệp.Phát biểu chào mừng tại sự kiện

TS. Tô Đình Tuân – Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, Trưởng ban chỉ đạo chương trình, cho biết đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn theo hợp đồng, trước nay chúng ta quen gọi là xuất khẩu lao động (XKLĐ), là một chủ trương hết sức đúng đắn, tốt đẹp của Đảng và Nhà nước, đồng thời là một nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Ts Tô Đình Tuân – Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, Trưởng ban chỉ đạo chương trình, phát biểu chào mừng tại sự kiện

Năm 1991, Chính phủ ban hành Nghị định 370/HĐBT về quy chế đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đồng thời cho phép các tổ chức kinh tế được thành lập và cấp giấy hoạt động XKLĐ.

32 năm qua, đã có hàng trăm ngàn lượt NLĐ đến nhiều nước để làm việc, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống gia đình, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Với sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ, của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đã có hàng trăm doanh nghiệp (DN) dịch vụ được cấp phép để đưa NLĐ đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ làm việc. Các DN hoạt động tích cực, hiệu quả, góp phần đưa khoảng từ 120.000 đến 143.000 NLĐ ra nước ngoài làm việc mỗi năm. Lực lượng lao động này mỗi năm gửi về khoảng 3,5 – 4 tỉ USD kiều hối, góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Những thành quả về hoạt động XKLĐ là nhờ Việt Nam biết nắm bắt và vận dụng có hiệu quả các chương trình hợp tác lao động với các nước có nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam. Các chương trình này được các nước xây dựng không chỉ giải quyết việc làm cho NLĐ mà còn góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho nước ta. Ngoài nỗ lực của ngành lao động – thương binh và xã hội, vai trò của các DN xuất khẩu lao động vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, việc ghi nhận, vinh danh những đóng góp của DN cũng rất cần thiết để DN có thêm động lực, ngày càng khẳng định vị thế của mình trên thị trường.

Bên cạnh những thành quả đã đạt được, cũng còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục tháo gỡ để thúc đẩy phát triển; cần thêm những cơ chế chính sách kịp thời, phù hợp với tình hình mới để tạo điều kiện cho các DN trong lĩnh vực XKLĐ làm tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình. Hội thảo “Nâng cao hiệu quả XKLĐ, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đất nước” sẽ tập trung thảo luận sâu về những nội dung này. Và đó chính là những lý do để Báo Người Lao Động tổ chức sự kiện hôm nay.

Ông Tô Đình Tuân nhấn mạnh 12 DN XKLĐ được vinh danh là những thương hiệu dẫn đầu về chất lượng dịch vụ, luôn đặt NLĐ làm trọng tâm trong hoạt động tuyển dụng, đào tạo và phái cử lao động. Đặc biệt, các DN được vinh danh lần này rất tích cực trong việc tìm kiếm những đối tác tuyển dụng nước ngoài chất lượng, việc làm tốt hơn và thu nhập cao hơn cho NLĐ Việt Nam. Đây cũng là những thương hiệu được các cơ quan quản lý Nhà nước, các đoàn thể địa phương, các hiệp hội nghề nghiệp đánh giá cao trong hoạt động XKLĐ thời gian qua.

Một tiết mục văn nghệ chào mừng chương trình

Bên cạnh 12 DN còn có một số địa phương và đơn vị hỗ trợ XKLĐ cũng được vinh danh lần này, về thành tích phối hợp tổ chức hiệu quả đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Sự kiện hôm nay vinh dự có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan, cùng đại diện lãnh đạo Cục quản lý lao động ngoài nước, lãnh đạo nhiều Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, thành và đông đảo doanh nghiệp XKLĐ tiêu biểu, khẳng định tầm quan trọng của chương trình, là minh chứng rõ nét sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương trong công tác đưa người lao động ra nước ngoài làm việc.

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho rằng trong quá trình hội nhập quốc tế, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, tạo việc làm cho người lao động trong nước, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Đưa lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là một hướng giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động và tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước; góp phần tăng cường quan hệ hợp tác về nhiều mặt giữa Việt Nam với những nước sử dụng lao động theo nguyên tắc bình đẳng, hai bên cùng có lợi, tôn trọng pháp luật và truyền thống dân tộc của nhau.

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan phát biểu tại chương trình

Cách đây 32 năm, ngày 9-11-1991, Chính phủ ban hành Nghị định 370/HĐBT về quy chế đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đồng thời cho phép các tổ chức kinh tế được thành lập và cấp giấy hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Ngày 22-9-1998, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 41-CT/TW về xuất khẩu lao động và chuyên gia, trong đó xác định cùng với giải quyết việc làm trong nước là chính thì xuất khẩu lao động và chuyên gia, là một chiến lược quan trọng, lâu dài, góp phần xây dựng đội ngũ lao động cho công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá; là một bộ phận của hợp tác quốc tế, góp phần củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác lâu dài với các nước.

Tiếp đó, ngày 8-5-2012, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 16-CT/TW “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài”, trong đó xác định việc đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nhằm giải quyết việc làm, tạo thu nhập, phân công lại lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng nguồn thu ngoại tệ và góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.

Nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam ở nước ngoài, năm 2006, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đây là dấu mốc quan trọng của việc hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý về nội dung có liên quan.

Để tháo gỡ những bất cập và các vấn đề nảy sinh trước yêu cầu phát triển mới, ngày 13-11-2020, Quốc hội khóa XIV ban hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên cơ sở điều chỉnh phù hợp với những thỏa thuận, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để thay thế Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006.

Cùng với đó, trên cơ sở tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW, ngày 12-12-2022, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới”, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hàng trăm doanh nghiệp dịch vụ được cấp phép để đưa người lao động đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ làm việc. Từ năm 2010 đến nay, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn là hơn 1,4 triệu người.

Các doanh nghiệp hoạt động tích cực, hiệu quả, góp phần đưa khoảng 120.000 đến 143.000 lao động ra nước ngoài làm việc mỗi năm. Lực lượng lao động này mỗi năm gửi về khoảng 3,5 – 4 tỉ USD kiều hối, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống gia đình, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời người lao động như những đại sứ du lịch giúp quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Những kết quả đạt được đã khẳng định chủ trương đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài của Đảng và Nhà nước ta là đúng đắn, đem lại nhiều lợi ích thiết thực. Người lao động đã góp phần quảng bá hình ảnh, giá trị tốt đẹp của đất nước, văn hoá, con người Việt Nam đến cộng đồng quốc tế; nhiều người khi về nước tiếp tục tham gia có hiệu quả vào thị trường lao động trong nước với tinh thần, ý thức trách nhiệm và năng lực, trình độ, kỹ năng tay nghề cao, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đem lại nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước.

Người lao động không chỉ thoát nghèo, mà còn có khả năng hỗ trợ, tạo điều kiện cho người thân đầu tư sản xuất, kinh doanh; đặc biệt tại những địa phương có nhiều người lao động đi làm việc ở nước ngoài, diện mạo quê hương có nhiều thay đổi với nhà cửa khang trang, hiện đại, an sinh xã hội ngày càng được bảo đảm.Có được thành quả như trên ngoài nỗ lực của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, thì vai trò của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Bên cạnh đó là sự đồng hành của chính quyền địa phương trong công tác phối hợp tuyển chọn, quản lý, bảo vệ người lao động khi đang làm việc ở nước ngoài; sự hỗ trợ của các đơn vị liên quan trong các hoạt động cho vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ủng hộ, hoan nghênh Báo Người Lao Động – Cơ quan của Thành ủy TP HCM đã tổ chức bình chọn và vinh danh “Doanh nghiệp xuất khẩu lao động tiêu biểu năm 2023” cũng như tổ chức Hội thảo “Nâng cao hiệu quả xuất khẩu lao động, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xăn hóa, xã hội đất nước”, với mục đích động viên, biểu dương doanh nghiệp, địa phương, cơ quan, đơn vị có nhiều đóng góp tích cực cho hoạt động xuất khẩu lao động, đồng thời thảo luận, đề xuất các giải pháp, cách làm mới để nâng cao hiệu quả xuất khẩu lao động trong tình hình mới theo chỉ đạo của Ban Bí thư.

Chúng ta cùng nhận thấy rằng bên cạnh những kết quả đạt được, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đó là, nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa đầy đủ; quản lý Nhà nước còn phân tán, chồng chéo.

Một số cơ chế, chính sách ban hành chậm, thiếu đồng bộ; chi phí đi làm việc ở nước ngoài cao, tình trạng người lao động đi làm việc ở nước ngoài trái phép, vi phạm pháp luật của nước sở tại, bỏ hợp đồng, hoặc khi hết hạn hợp đồng không về nước chậm được khắc phục. Công tác quản lý, bảo hộ công dân đối với lao động Việt Nam tại các nước, vùng lãnh thổ còn nhiều bất cập; năng lực của một số tổ chức, doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, cạnh tranh không lành mạnh.

Chúng tôi xin lắng nghe những giải pháp, những đề xuất tại hội thảo, trên cơ sở đó chắt lọc những kiến nghị, tham mưu Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện thể chế pháp luật, cơ chế chính sách để thực hiện tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới”.

Hình ảnh & Bài viết : Báo Người Lao Động

Đánh giá ngay !