Thông tin cơ bản về Nhật Bản và quan hệ Việt Nam – Nhật Bản

575
Quan hệ Việt Nam và Nhật Bản phát triển nhanh chóng. Nhật Bản là nước G7 đầu tiên đón Tổng Bí thư Việt Nam đi thăm (năm 1995), nước G7 đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam (năm 2009), nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (năm 2011), nước G7 đầu tiên mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng (5/2016).

I. Khái quát

1. Tên nước: Nhật Bản theo phiên âm Hán-Việt của từ 日本 (phát âm bằng tiếng Nhật là Nippon hoặc Nihon). Tên tiếng Anh là Japan.

2. Quốc khánh: là ngày sinh nhật Nhà vua (ngày 23/2).

3. Thủ đô: Tokyo

4. Vị trí địa lý: Nhật Bản là quần đảo (gồm 6.852 hòn đảo lớn nhỏ), nằm ở Tây Bắc lòng chảo Thái Bình Dương, ngoài khơi phía Đông lục địa châu Á, trải theo một vòng cung hẹp dài 3.800km.

5. Diện tích: 377.944 km2, với 4 đảo lớn nhất, chiếm 97% diện tích, là Hokkaido, Honshu, Shikoku và Kyushu. 73% diện tích đất là đồi núi và rừng rậm.

6. Dân số: 125,12 triệu người (5/2021), giảm liên tục từ năm 2011. Tuổi thọ trung bình là 83,5 cao nhất thế giới. Nhật Bản đang đối mặt với nguy cơ sụt giảm dân số, dự báo là 95 triệu người đến 2050, chủ yếu do tỷ lệ sinh mới thấp. Chính phủ Nhật Bản đang từng bước nới lỏng các quy định nhập cư và công nhận quốc tịch tự nhiên nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động.

7. Dân tộc: 98,5% dân số là thuần Nhật, phần còn lại là dân tộc thiểu số Ainu ở phía Bắc và người nước ngoài.

8. Hành chính: phân cấp hành chính của Nhật Bản gồm 47 tỉnh thành. Đồng thời, căn cứ vào địa lý, lịch sử và đặc trưng kinh tế… Nhật Bản thường được chia làm 8 khu vực lớn gồm Hokkaido, vùng Đông Bắc, vùng Kanto, vùng Trung Bộ, vùng Kinki (còn gọi là Kansai), vùng Chugoku, vùng Shikoku và vùng Kyushu-Okinawa.

9. Tôn giáo: Thần đạo (Shinto) thờ các vị Thần là tôn giáo chính, lâu đời nhất ở Nhật Bản; Phật giáo được du nhập vào Nhật Bản từ thế kỷ thứ 6, trở nên phổ biến; Thiên Chúa giáo, du nhập vào Nhật Bản từ thế kỷ 16. Ngoài ra, có nhiều tôn giáo mới ra đời trong thời gian gần đây có số lượng hội viên khá đông như Soka Gakkai (Sáng Giá Học Hội), Tenrikyo (Thiên Lý Giáo), Shinrikyo (Chân Lý Giáo)… Người Nhật Bản có thể theo nhiều tôn giáo khác nhau cùng lúc.

10. Ngôn ngữ: tiếng Nhật Bản, chịu ảnh hưởng của chữ Hán, hiện vẫn sử dụng Hán tự kết hợp với chữ viết riêng của Nhật Bản.

11. GDP: năm 2021, GDP tăng trưởng thực chất 1,6%, đạt khoảng 536,8 nghìn tỷ yên (4.940 tỷ USD). GDP bình quân đầu người ước tính 39.285 USD.

12. Tỷ giá đồng Yên – USD: 132 Yên đổi 1 USD (thời điểm tháng 12/2022).

13. Chế độ chính trị:

– Nhà vua Nhật Bản Naruhito là Nguyên thủ tượng trưng về mặt đối ngoại, lên ngôi từ 01/5/2019, lấy niên hiệu mới là Lệnh Hòa. Nhà vua Akihito thoái vị vào ngày 30/4/2019 (sau 30 năm tại vị), trở thành Thượng Hoàng Nhật Bản.

– Nhà nước được tổ chức theo chế độ tam quyền phân lập.

– Chính phủ hiện nay là chính phủ liên minh giữa Đảng Dân chủ Tự do (LDP) và Đảng Công Minh (Komeito).

14. Lãnh đạo chủ chốt hiện nay:

– Thủ tướng Kishida Fumio (Ki-si-đa Phư-mi-ô) (Đảng LDP), từ ngày 4/10/2021.

– Chủ tịch Hạ viện Hosoda Hiroyuki (Hô-sô-đa Hi-rô-i-u-ki) (Đảng LDP), từ ngày 10/11/2021.

– Chủ tịch Thượng viện Otsuji Hidehisa (Ô-chư-gi Hi-đê-hi-sa) (Đảng LDP) từ tháng 8/2022.

– Ngoại trưởng Hayashi Yoshimasa (Ha-i-a-si I-ô-si-ma-sa) (Đảng LDP), từ ngày 10/11/2021.

II. Tình hình phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng

Là quốc gia nghèo tài nguyên, dân số đông, kinh tế bị tàn phá kiệt quệ trong chiến tranh thế giới thứ hai. Sau chiến tranh, kinh tế Nhật Bản trải qua các giai đoạn: nhanh chóng phục hồi (1945-1954), phát triển cao độ (1955-1973), tăng trưởng chậm lại (1974-1990) và trì trệ (từ 1991 đến nay). Hiện tại Nhật Bản vẫn là cường quốc kinh tế thứ 3 thế giới.

Từ tháng 10/2021, Thủ tướng Kishida Fumio lên nắm quyền sau khi đắc cử

Chủ tịch đảng LDP (30/9/2021). Liên minh cầm quyền LDP và Công Minh giành thắng lợi tại bầu cử Hạ viện (31/10/2021) và Thượng viện (10/7/2022). Về chính sách,

Thủ tướng Kishida nêu các ưu tiên: (i) phòng chống dịch Covid-19, đẩy mạnh tiêm phòng và cải thiện hệ thống y tế; (ii) thực hiện “chủ nghĩa tư bản kiểu mới” với 02 trục song hành là Chiến lược tăng trưởng Chiến lược phân phối; (iii) tăng cường thể chế bảo đảm an toàn người dân và an ninh quốc gia, sửa đổi các văn kiện quan trọng về chiến lược an ninh để tăng cường cơ bản sức mạnh phòng thủ trong năm 2022; (iv) thúc đẩy chính sách an ninh kinh tế; (v) ứng phó với tình trạng vật giá gia tăng.

Năm 2020, kinh tế lần đầu sau bốn năm rưỡi rơi vào suy thoái (GDP giảm 4,5%, mức giảm cao nhất kể từ năm 1995). Năm 2021, Nhật Bản đạt tốc độ tăng trưởng 1,6% dù có tới 02 Quý tăng trưởng âm; kim ngạch thương mại đạt 167.658 tỷ yên (xuất khẩu đạt 83.093 tỷ yên, tăng 21,5% và nhập khẩu đạt 84.565 tỷ yên, tăng 24,3%). Từ đầu năm 2022, đà tăng trưởng chậm lại do ảnh hưởng tiêu cực của làn sóng Covid-19 mới, xung đột Nga – Ukraine, vật giá gia tăng, đồng yên giảm mức thấp nhất trong hơn 2 thập kỷ. Chính phủ hạ dự báo tăng trưởng GDP thực năm 2022 xuống 2%, nâng dự báo lạm phát từ 0,9% lên 2,6%.

Ngân sách năm tài khóa 2022 là 107.596 tỷ yên (940 tỷ USD), cao kỷ lục, tăng năm thứ 10 liên tiếp; tập trung các khoản chi an sinh xã hội với 36.273 tỷ yên, quốc phòng 5.368 tỷ yên, dự phòng quỹ Covid-19 5.000 tỷ yên… Ngân hàng Trung ương giữ nguyên chính sách tài chính siêu lỏng.

Về an ninh quốc phòng, sửa đổi 03 văn kiện quan trọng trong năm 2022 gồm: Chiến lược An ninh quốc gia, Chiến lược phòng vệ quốc gia và Kế hoạch trang bị phòng vệ; một số điểm đáng chú ý như sở hữu năng lực phản công, tăng ngân sách quốc phòng, đầu tư mạnh cho trang bị năng lực phòng vệ tầm xa.

Dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc, nhiều mặt đến đời sống kinh tế, xã hội của Nhật Bản. Tính đến nay, trên toàn Nhật Bản có 29.798.835 ca nhiễm, 58.496 ca tử vong, 67% dân số đã tiêm 3 mũi (tính đến 5/1/2023). Giai đoạn 2020-2021, Chính phủ đã ban hành các gói ứng phó khẩn cấp lớn nhất trong lịch sử, tổng trị giá khoảng 3.000 tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp, bảo vệ công ăn việc làm, đảm bảo cuộc sống của người dân (bao gồm cả người nước ngoài sinh sống tại Nhật Bản), cải thiện hệ thống y tế, an sinh xã hội, phát triển thuốc/vắc-xin điều trị… Trong các gói ứng phó khẩn cấp nêu trên, Chính phủ Nhật Bản dành 220 tỷ yên (2 tỷ USD) hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản chuyển sản xuất trở lại trong nước và 23,5 tỷ yên (0,2 tỷ USD) hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản đa dạng hóa sản xuất sang nước thứ 3.

III. Chính sách đối ngoại

Tháng 10/2021, Thủ tướng Kishida Fumio trở thành Thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản, tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của các Thủ tướng tiền nhiệm Abe Shinzo và Suga Yoshihide; tiếp tục coi quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ là trục cơ bản; thúc đẩy 3 trụ cột về ngoại giao, an ninh quốc phòng gồm: (i) kiên quyết bảo vệ những giá trị phổ quát như tự do, chủ nghĩa dân chủ, nhân quyền, thượng tôn pháp luật, phối hợp với các nước đồng minh, đồng chí hướng thúc đẩy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP); (ii) bảo đảm hòa bình và ổn định của Nhật Bản, tăng cường năng lực phòng vệ, phòng thủ tên lửa, bảo đảm an ninh trên biển để bảo vệ vững chắc lãnh thổ, lãnh hải, không phận, cũng như tính mạng và tài sản người dân; (iii) giải quyết những vấn đề toàn cầu, dẫn dắt cộng đồng quốc tế, đóng góp cho nhân loại; nỗ lực vì thế giới không có vũ khí hạt nhân, thúc đẩy các biện pháp ứng phó với trái đất nóng lên, xây dựng những luật lệ mới như lưu thông dữ liệu tự do.

Ngày 17/01/2022, Thủ tướng Kishida phát biểu diễn văn chính sách tại Quốc hội, nhấn mạnh “Ngoại giao hiện thực trong thời đại mới” trong bối cảnh tình hình thế giới ngày càng diễn biến phức tạp với ba trụ cột: (i) coi trọng những giá trị phổ quát và nguyên tắc về tự do, chủ nghĩa dân chủ, nhân quyền, thượng tôn pháp luật; (ii) tích cực tham gia giải quyết những vấn đề toàn cầu và (iii) bảo đảm sinh mạng và cuộc sống người dân Nhật Bản.

Nhật Bản tiếp tục phát triển quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ, trụ cột trong chính sách ngoại giao, an ninh quốc phòng, nền tảng hòa bình và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và thế giới; phối hợp chặt chẽ trong giải quyết các thách thức toàn cầu như Covid-19, biến đổi khí hậu, thực hiện FOIP. Mạnh mẽ đề nghị Trung Quốc hành động có trách nhiệm; tiếp tục đối thoại về các vấn đề giữa hai nước cũng như hợp tác trong những vấn đề cùng quan tâm, hướng tới xây dựng quan hệ mang tính xây dựng và ổn định trên cơ sở kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao năm 2022. Với Nga, phê phán mạnh mẽ việc Nga xâm lược Ukraine, coi đây là động thái thách thức nguyên tắc cơ bản của cộng đồng quốc tế, đe dọa trật tự thế giới; đàm phán Hiệp ước hòa bình Nhật – Nga không có tiến triển. Khẳng định Hàn Quốc là nước láng giềng quan trọng, tuy nhiên dựa trên quan điểm nhất quán lâu nay đề nghị Hàn Quốc có biện pháp ứng xử phù hợp. Với Triều Tiên, khẳng định quyết tâm gặp Chủ tịch Kim Jong Un một cách vô điều kiện nhằm giải quyết vấn đề quan trọng nhất là công dân Nhật Bản bị bắt cóc. Khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường quan hệ với các nước ASEAN đối với ổn định và thịnh vượng của toàn khu vực; cần thúc đẩy hợp tác cụ thể để tăng cường những nguyên tắc chung giữa FOIP và AOIP, đưa quan hệ Nhật – ASEAN lên giai đoạn mới dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị vào năm 2023; phối hợp tìm hướng giải quyết vấn đề Myanmar. Cam kết nỗ lực đóng góp vào giảm căng thẳng và ổn định tình hình tại Trung Đông; nỗ lực giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu, không phổ biến hạt nhân, xóa đói giảm nghèo…

IV. Quan hệ với Việt Nam

Trong những năm gần đây, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản phát triển nhanh chóng. Nhật Bản là nước G7 đầu tiên đón Tổng Bí thư Việt Nam đi thăm (năm 1995), nước G7 đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam (năm 2009), nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (năm 2011), nước G7 đầu tiên mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng (5/2016).

1. Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao: 21/9/1973

2. Khuôn khổ quan hệ

Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở Châu Á (thiết lập tháng 03/2014 nhân chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang).

3. Giao lưu, trao đổi đoàn

Quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, có sự tin cậy cao. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, gần đây có:

Lãnh đạo Nhật Bản thăm Việt Nam: Thủ tướng Nhật Bản thăm Việt Nam tổng cộng 12 lần Chủ tịch Hạ viện thăm Việt Nam tháng 01/2002 và tháng 5/2017; Chủ tịch Thượng viện Yamazaki thăm tháng 12/2015.

Hoàng Thái tử Nhật Bản Naruhito (Nhà vua hiện nay) thăm chính thức Việt Nam tháng 2/2009. Nhà vua Akihito và Hoàng hậu (đã thoái vị, hiện là Thượng Hoàng Nhật Bản) thăm Việt Nam (28/02-5/3/2017); Hoàng tử Nhật Bản Akishino thăm chính thức Việt Nam tháng 6/1999 và thăm với tư cách cá nhân tháng 8/2012.

Lãnh đạo Việt Nam thăm Nhật Bản: Tổng Bí thư ta thăm Nhật Bản 04 lần; Chủ tịch nước thăm Nhật Bản 03 lần; Thủ tướng Chính phủ thăm Nhật Bản 20 lần; Chủ tịch Quốc hội thăm Nhật Bản 04 lần.

4. Các cơ chế hợp tác quan trọng

Ủy ban Hợp tác Việt – Nhật do hai Bộ trưởng Ngoại giao làm đồng Chủ tịch (từ năm 2007, đã họp 11 lần); Đối thoại Đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản về ngoại giao – an ninh – quốc phòng cấp Thứ trưởng ngoại giao (từ năm 2010, đã họp 07 lần); Đối thoại Chính sách quốc phòng Việt – Nhật cấp Thứ trưởng (từ tháng 11/2012, đã họp 07 lần); Đối thoại An ninh cấp Thứ trưởng (từ tháng 11/2013, đã họp 06 lần); Ủy ban hỗn hợp về thương mại, năng lượng và công nghiệp (từ 2014, đến nay đã họp 03 lần); Đối thoại Nông nghiệp cấp Bộ trưởng (từ 2014, đến nay đã họp 05 lần); Đối thoại chính sách biển Việt Nam – Nhật Bản cấp Bộ trưởng (thành lập từ tháng 12/2019).

5. Hợp tác kinh tế

Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10/2011). Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động thứ 2, nhà đầu tư số 3, đối tác du lịch thứ 3, thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.

Về thương mại: Hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ 1999.

Trong 3 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước đạt trên 10,6 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 5,3 tỷ USD giảm 0,45% và nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản đạt 5,3 tỷ USD giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2022 (Nguồn: Bộ Công Thương).

Về đầu tư trực tiếp, lũy kế đến 20/03/2023, Nhật Bản có 5.050 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 69,4 tỷ USD, đứng thứ 3 sau Hàn Quốc và Singapore trong tổng số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam (Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài).

Về viện trợ phát triển chính thức ODA:

Nhật Bản là nước cung cấp vốn vay bằng đồng Yên cho Việt Nam lớn nhất, tổng giá trị vay tính đến hết năm tài khóa 2020 là 2.812,8 tỷ Yên (tương đương 27,5 tỷ USD), chiếm hơn 26% tổng vốn ký kết vay nước ngoài của Chính phủ).

6. Các lĩnh vực khác

Hợp tác nông nghiệp có bước đột phá từ năm 2014 trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Hai bên đã ký kết và triển khai Tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác Nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản (9/2015, ký sửa đổi tháng 5/2018, nhất trí triển khai giai đoạn hai 2020-2024 vào tháng 12/2020).

Hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thực chất với việc Nhật Bản liên tục cung cấp ODA những năm gần đây cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam.

Hợp tác lao động: Từ năm 1992 đến nay, Việt Nam đã phái cử hơn 350.000 thực tập sinh sang Nhật Bản. Hiện Việt Nam đứng thứ nhất về số lượng thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản với hơn 200.000 người. Hai bên đã ký (i) Bản ghi nhớ về việc Nhật Bản tiếp nhận điều dưỡng viên, hộ lý của Việt Nam; (ii) Bản ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng (6/2017); (iii) Bản ghi nhớ hợp tác về chế độ Lao động kỹ năng đặc định (5/2019).

Hợp tác giáo dục: Quan hệ hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa hai nước đã phát triển dưới nhiều hình thức, Nhật Bản là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành giáo dục đào tạo của Việt Nam. Hai bên đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác trong lĩnh vực này. Số lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản hiện đạt hơn 51.000 người. Nhật Bản đang hợp tác để nâng cấp 04 trường đại học của Việt Nam đạt đại học chất lượng cao; đang hợp tác xây dựng Trường Đại học Việt – Nhật nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam trong lĩnh vực khoa học công nghệ, quản lý và dịch vụ; hỗ trợ Việt Nam dạy tiếng Nhật tại một số trường tiểu học, phổ thông cơ sở tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Hai bên đã ký Biên bản hợp tác về các biện pháp giảm thiểu tình trạng du học sinh Việt Nam vi phạm pháp luật tại Nhật Bản (10/2018).

Du lịch: Năm 2019, lượng khách du lịch Nhật Bản vào Việt Nam đạt 951.962 người, đứng thứ 3, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước.

Hợp tác lãnh sự: Nhật Bản đã mở Tổng lãnh sự quán tại thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng (01/2022). Ta mở Tổng Lãnh sự quán tại Osaka (3/1997) và Fukuoka (4/2009); bổ nhiệm Lãnh sự danh dự Việt Nam tại thành phố Nagoya (tỉnh Aichi), thành phố Kushiro (Hokkaido), tỉnh Mie.

Từ ngày 01/01/2004, Việt Nam đơn phương miễn thị thực cho người Nhật đi du lịch và kinh doanh vào Việt Nam trong vòng 15 ngày và từ ngày 01/7/2004, quyết định miễn thị thực nhập cảnh ngắn hạn cho mọi công dân mang hộ chiếu Nhật Bản. Ngày 8/3/2005, hai bên đã trao đổi Công hàm miễn thị thực nhập cảnh cho công dân hai nước Việt Nam và Nhật Bản mang Hộ chiếu ngoại giao và công vụ trong thời hạn lưu trú không quá 90 ngày bắt đầu thực hiện từ 01/5/2005.

Nhật Bản bắt đầu thực hiện việc nới lỏng quy chế cấp thị thực nhiều lần (từ ngày 30/9/2014 và nới lỏng hơn từ ngày 15/02/2016) và thị thực một lần (từ 20/11/2014) cho công dân Việt Nam; đơn giản hóa thủ tục xin visa ngắn hạn dành cho người có vị trí trong xã hội (cán bộ, công chức cơ quan nhà nước, nhân viên doanh nghiệp tư nhân, nhà tri thức – văn hóa) từ ngày 01/3/2019.

Hiện có khoảng 23.000 công dân Nhật Bản tại Việt Nam.

­­Hợp tác địa phương hai nước: được thúc đẩy mạnh mẽ, địa phương của Việt Nam và Nhật Bản đã ký hơn 70 văn bản hợp tác, trong đó các cặp quan hệ tiêu biểu có Tp. Hồ Chí Minh với Osaka (2007), Nagano (2017), Hà Nội với Fukuoka (2008), Tokyo (2013), Đà Nẵng với Sakai (2009), Yokohama (2013), Phú Thọ – Nara (2014), Huế – Kyoto (2014), Hưng Yên – Kanagawa (2015), Hải Phòng – Niigata (2015)…

Hợp tác phòng chống Covid-19: Nhật Bản viện trợ không hoàn lại hơn 7,4 triệu liều vắc-xin, hơn 4 tỷ yên để cung cấp trang thiết bị, hỗ trợ kỹ thuật, cải thiện hệ thống y tế. Chính phủ, Quốc hội và địa phương ta hỗ trợ hơn 1,2 triệu khẩu trang cho Nhật Bản; đưa hơn 30.000 công dân Việt Nam về nước. Từ 11/10/2022, Nhật Bản đã nới lỏng quy chế cho phép khách du lịch Việt Nam nhập cảnh.

7. Tình hình cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản

Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản đạt 476.346 người (chiếm 16%, đứng thứ 2 sau Trung Quốc)(thống kê của Bộ Tư pháp Nhật Bản đến tháng 6/2022). Người Việt Nam hiện sinh sống, làm việc và học tập trên khắp 47 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của Nhật Bản, trong đó chủ yếu tập trung tại tỉnh Aichi (hơn 40.000 người) Tokyo (hơn 36.000 người) và các tỉnh Osaka (hơn 35.000 người), Saitama (gần 26.000 người), Chiba (khoảng 20.000 người), Fukuoka (gần 20.000 người).

nguồn : Kinh tế & xây dựng

5/5 - (1 bình chọn)