Thủ tướng Nhật Bản thăm chính thức Việt Nam: Bạn bè và chiến lược

178

TTO – Chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide mang ý nghĩa lớn không chỉ đối với quan hệ song phương Việt Nam – Nhật Bản, mà còn là một thông điệp về hợp tác quốc tế.

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và phu nhân đến sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) – Ảnh: TTXVN

Tối 18-10, Thủ tướng Suga cùng phu nhân Mariko và đoàn quan chức đã đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam và sau đó là Indonesia.

Tháp tùng thủ tướng trong chuyến công du lần này có nhiều quan chức cấp cao, bao gồm Phó chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Sakai Manabu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Mori Takeo, Trưởng ban thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Kitamura Shigeru…

Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Suga kể từ khi ông chính thức thay cựu thủ tướng Abe Shinzo hồi giữa tháng 9. Giới quan sát cho rằng việc ông Suga chọn thăm Việt Nam đầu tiên phản ánh thực tế thủ tướng Nhật đánh giá cao mối quan hệ song phương Việt Nam – Nhật Bản cũng như vai trò của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Tokyo.

Chuyến thăm của ông Suga diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản, Việt Nam cũng như các nước đều tìm cách thúc đẩy hợp tác kinh tế để hồi phục sau những ảnh hưởng của dịch COVID-19. Báo Nikkei ngày 18-10 nhận định chuyến đi của ông Suga nhiều khả năng nhằm tăng cường hợp tác kinh tế với Việt Nam, tranh thủ sự hợp tác này trong bối cảnh Việt Nam đang mở cửa và kết nối với nhiều nền kinh tế lớn.

Nikkei lưu ý Việt Nam đang có Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU), gọi là EVFTA. Ngoài ra, Việt Nam đang đàm phán hiệp định tương tự với Anh, trong khi Mỹ cũng đang thúc đẩy hợp tác thương mại với Việt Nam. Tờ báo Nhật Bản nhận định Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát ca mắc COVID-19 “tốt hơn bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào khác”.

Giới quan sát cũng kỳ vọng chuyến đi Việt Nam và Indonesia của ông Suga sẽ cung cấp thêm chất liệu để hình dung về chính sách đối ngoại của Nhật Bản dưới sự lãnh đạo của ông. Chính sách này đã được hé lộ một phần trong lần Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thăm Tokyo hồi đầu tháng 10, nơi lần thứ hai “Bộ tứ kim cương” (QUAD) gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc gặp gỡ chính thức trong hai năm qua.

Nhiều ý kiến đến nay cho thấy Nhật Bản đang muốn thay đổi cách tiếp cận với QUAD – một nhóm không chính thức đang thúc đẩy hợp tác an ninh với nhau. Tokyo được cho đang muốn đa dạng hóa khuôn khổ hợp tác này, lấy trọng tâm là mối quan hệ của Nhật với các nước Đông Nam Á.

Theo Nikkei, chuyến thăm của ông Suga diễn ra trong bối cảnh Tokyo muốn thúc đẩy mối quan hệ với các nước Đông Nam Á, giữa bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, một bên là đồng minh an ninh quan trọng, một bên là đối tác thương mại lớn nhất.

Hiện nay Nhật Bản được cho đang cố gắng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc, thông qua việc mang sản xuất về nước và dịch chuyển sang Đông Nam Á nhiều hơn. Nikkei cũng cho rằng ông Suga có khả năng sẽ công bố việc mở rộng chi nhánh sản xuất của các công ty Nhật Bản ở Đông Nam Á trong chuyến đi này.

Reuters lưu ý hiện nay Việt Nam đang là lựa chọn phổ biến đối với các công ty Nhật. Trong 30 công ty Nhật hưởng chương trình ưu đãi 23,5 tỉ yen (223,28 triệu USD) của chính phủ vừa qua đang cân nhắc đa dạng hóa chuỗi cung ứng hướng về Đông Nam Á, có một nửa đã nhắm tới Việt Nam.

Ngoài ra, theo Chánh Văn phòng Nội các Kato, Thủ tướng Suga và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ nhấn mạnh hợp tác cho hàng loạt cuộc họp và sự kiện liên quan tới Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà Việt Nam sẽ tổ chức vào tháng tới.

Có thể thấy Thủ tướng Suga hiện có xu hướng mở rộng hợp tác và tránh tạo cảm giác phải chống lại Trung Quốc hay bất kỳ bên thứ ba nào khác, và điều này cũng phù hợp với lựa chọn chiến lược hợp tác của ASEAN. Nói như chuyên gia Scott Harold tại Trung tâm chính sách về châu Á – Thái Bình Dương (thuộc Rand Corp), cách tiếp cận của Nhật Bản là nhất quán, điềm tĩnh và thúc đẩy lợi ích quốc gia của mình mà không yêu cầu các nước phải thể hiện việc chống Trung Quốc.


Các hoạt động trong ngày 19-10

– Lễ đón chính thức.

– Hội đàm giữa hai đoàn.

– Lễ trao đổi văn kiện hợp tác: dự kiến có 26 văn kiện sẽ được trao đổi.

– Chào xã giao Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

– Gặp gỡ doanh nghiệp Nhật Bản.

– Nói chuyện với sinh viên Trường ĐH Việt – Nhật.

– Hội kiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

– Tiếp xã giao trưởng Ban Tổ chức trung ương, chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt – Nhật, ông Phạm Minh Chính. (KHOA THƯ)


Du khách Nhật Bản tham quan TP.HCM vào tháng 2-2020. Năm 2019, khách Nhật đến Việt Nam đạt khoảng 952.000 lượt, tăng 15,2% so với năm trước – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ý kiến chuyên gia

* GS Carl Thayer (ĐH New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc):

Sẽ có các biện pháp thực tế

Thủ tướng Suga đã phục vụ trong vai trò chánh văn phòng nội các dưới thời thủ tướng Abe Shinzo trong 8 năm. Ông Suga đã thể hiện rõ lập trường ủng hộ chính sách đối ngoại hàng đầu của ông Abe về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, bao gồm tự do hàng hải và hàng không, và một trật tự dựa trên luật lệ, tôn trọng luật pháp quốc tế.

Nhật Bản sẽ muốn tiếp nối các thỏa thuận đạt được ở Hà Nội và Jakarta lần này bằng những biện pháp thực tế nhằm chỉ ra các vấn đề an ninh then chốt, ví dụ việc phản ứng trước virus corona chủng mới, giảm tác động kinh tế của đại dịch COVID-19, vấn đề ổn định và an ninh Biển Đông, và gây quỹ cho các sáng kiến đóng vai trò thay thế cho sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc. Nhật cũng sẽ tìm cách kết nối mạnh mẽ hơn với Úc để phối hợp về mặt chính sách.

Cuối cùng, Nhật sẽ đợi kết quả bầu cử tổng thống Mỹ. Nếu ông Trump tái đắc cử, Nhật sẽ tiếp tục đẩy mạnh vai trò lãnh đạo ở Đông Nam Á. Nếu ông Biden đắc cử, Nhật sẽ ưu tiên gắn kết với chính quyền mới trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Sau thời gian làm chánh văn phòng nội các, ông Suga sẽ có hiểu biết cặn kẽ về mô hình sự hợp lưu, liên quan giữa hai đại dương và một chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tập trung vào Ấn Độ.

“Bộ tứ kim cương” QUAD (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc) hiện nay đang được thể chế hóa một cách chậm rãi với chỉ hai cuộc họp cấp bộ trưởng trong hai năm qua. QUAD sẽ tạo điều kiện cho hợp tác an ninh giữa các thành viên của mình. Ông Suga sẽ ưu tiên vai trò của Nhật ở Đông Nam Á một cách tự nhiên, đặc biệt là vai trò của Việt Nam và Indonesia, vì lý do kinh tế lẫn an ninh, nhằm ngăn bớt sức ảnh hưởng của Trung Quốc.

Trong khi quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ là nền tảng cần thiết cho an ninh Nhật Bản, nhưng chỉ vậy thì chưa đủ. Thủ tướng Suga thay vào đó đã đưa ra tín hiệu là Nhật cần phải phối hợp bên ngoài QUAD để kết nối với nhiều quốc gia Đông Nam Á, và điều này mang lại sự linh hoạt nhiều hơn cho Nhật Bản so với một khuôn khổ chỉ 4 bên như QUAD.

Với những thỏa thuận này, bất kỳ sự kết hợp nào của thành viên QUAD nói riêng cũng có thể kết nối với mối quan hệ của QUAD cùng các nước khác trong khu vực. Ví dụ, khái niệm QUAD Plus (thêm Hàn Quốc, Việt Nam và New Zealand) nổi lên hồi tháng 3 năm nay là khuôn khổ hợp tác, tham vấn về COVID-19.

QUAD, vì vậy, cung cấp một cấu trúc linh hoạt để phối hợp các chính sách an ninh với nhau trong nhiều vấn đề không riêng gì quốc phòng mà còn ở việc tài trợ cho các dự án hạ tầng đóng vai trò lựa chọn thay thế cho “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc.

Thủ tướng Suga sẽ thúc đẩy quan hệ cả song phương lẫn đa phương với Việt Nam trên khuôn khổ gắn kết hiện còn lỏng lẻo của QUAD. Ông Suga tìm kiếm sự linh hoạt lớn hơn trong việc chứng minh sự lãnh đạo độc lập của người Nhật trong việc tác động tới diễn biến của khu vực, ngoài sự phụ thuộc vào các thỏa thuận quân sự với sự lãnh đạo của Mỹ trong QUAD.

* Zach Abuza (chuyên gia an ninh Đông Nam Á, ĐH Chiến tranh Mỹ):

Kỳ vọng tiếp tục tiếp nối các chính sách

Tôi kỳ vọng Thủ tướng Suga sẽ tiếp nối rất nhiều chính sách của Nhật hiện nay. Ông là cánh tay phải của ông Abe trong nhiều năm và giúp hình thành lập trường an ninh của ông Abe. Nhật Bản đặt nhiều hi vọng vào “Bộ tứ kim cương” (QUAD). Nhật có quan hệ với Ấn Độ rất khác so với Mỹ. QUAD cho Nhật một con đường hợp hiến để tham gia vào an ninh khu vực.

Tuy nhiên, tôi cho rằng chúng ta đang nghĩ quá lên về QUAD. Ấn Độ dường như không quá tập trung vào liên minh này. Thực tế là Ấn Độ có rất nhiều thách thức về an ninh nhưng lại bị giới hạn nhiều về mặt ngân sách.

QUAD tác động tới lập trường về phong trào không liên kết của Ấn Độ. Tôi không nghĩ Ấn Độ thật sự nhìn nhận rõ ràng về một trật tự quốc tế mà họ mong muốn.

Tôi nghĩ Mỹ, Nhật Bản và Úc nên đi trước, mở ra cánh cửa cho các đối tác khác (bao gồm cả Việt Nam) khi các nước sẵn sàng dấn thân.

Cho đến lúc đó, chúng ta thật sự cần đưa Nhật Bản vào nhóm chia sẻ thông tin tình báo 5 Eyes (Mỹ, Úc, Anh, Canada và New Zealand). Thiếu vắng quốc gia này sẽ là một sự thiếu hụt đáng kể. (NHẬT ĐĂNG ghi)

* Ông Sugino Masanao (giám đốc vận hành Công ty Gumi Việt Nam):

Kỳ vọng hai nước sớm thiết lập hành lang du lịch an toàn

Đang điều hành một doanh nghiệp chuyên sản xuất phần mềm tại Việt Nam, tôi rất vui khi Thủ tướng Suga Yoshihide chọn Việt Nam làm điểm đến trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông.

Việt Nam được xem là trung tâm của ASEAN và ngày càng thu hút nhiều sự chú ý hơn của nhà đầu tư Nhật Bản trong tương lai. Mối quan hệ hợp tác ngày càng chặt chẽ này không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn ở trên phương diện văn hóa, phim ảnh, du lịch. Nếu dịch COVID-19 được khống chế sớm, các lĩnh vực này sẽ có điều kiện tăng tốc.

Việt Nam đang là lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp Nhật Bản khi ra nước ngoài, xu hướng này cũng mang lại nhiều cơ hội cho các công ty Nhật Bản tại Việt Nam.

Tuy nhiên, điều đó cũng sẽ làm tăng số doanh nghiệp Nhật hiện diện ở Việt Nam, tạo sự cạnh tranh rõ ràng hơn. Nhìn vào xu thế hiện nay, tôi nghĩ rằng cơ hội kinh doanh mở ra với các doanh nghiệp Nhật Bản tăng lên nếu thiết lập được hợp tác chặt chẽ với người Việt Nam, cùng cải thiện chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn Nhật Bản trong khi vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kỳ vọng.

Chuyến thăm của thủ tướng Nhật Bản thành công cũng đem đến cho tôi kỳ vọng Việt Nam và Nhật Bản nhanh chóng thiết lập được hành lang du lịch an toàn, hành lang xanh ưu tiên giữa hai nước để nối lại các hoạt động đi lại thuận lợi hơn.

Việc đẩy nhanh cơ chế đi lại giữa hai quốc gia cũng thúc đẩy dòng tiền luân chuyển nhanh hơn, phát triển giao thương. Cả hai quốc gia đang cho thấy nỗ lực thành công trong chống dịch, vì vậy chúng tôi kỳ vọng có những động thái tích cực hơn, can đảm hơn vượt qua những lo lắng, e ngại rủi ro để nối lại các đường bay giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian tới.

* Ông Nishitohge Yasuo (tổng giám đốc Công ty TNHH AEON Việt Nam):

Tăng cường giới thiệu hàng hóa hai nước đến thị trường của nhau

Chuyến thăm Việt Nam của tân Thủ tướng Suga Yoshihide thể hiện Nhật Bản luôn dành sự tôn trọng và sự tin tưởng lớn nhất đối với Việt Nam. Nhưng điều quan trọng nhất là Việt Nam và Nhật Bản đã cùng nhau xây dựng mối quan hệ hợp tác hữu nghị chặt chẽ trong rất nhiều năm qua, chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục là đối tác tối quan trọng và chiến lược đối với Nhật Bản trong tương lai, đồng thời việc củng cố, tăng cường mối quan hệ sẽ góp phần mang lại sự phát triển và lợi ích quốc gia cho cả hai nước.

Cũng từ chuyến thăm lịch sử này, chúng tôi mong muốn hàng hóa hai quốc gia sẽ có thể thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu thuận lợi hơn nữa. Từ đó, trong vai trò nhà bán lẻ, chúng tôi có thể tăng cường việc giới thiệu thêm nhiều sản phẩm Việt Nam đến khách hàng Nhật Bản và ngược lại mang các sản phẩm chất lượng của Nhật Bản đáp ứng nhu cầu của khách hàng Việt Nam. Muốn vậy, một số thủ tục trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa cũng như thủ tục mở rộng đầu tư ở cả hai nước cần phải tiết giảm.

Tôi nghĩ rằng những cải thiện này sẽ giúp doanh nghiệp Nhật Bản có thể đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.

* TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ):

Việt Nam sẽ thu hút doanh nghiệp Nhật phải rời Trung Quốc

Hiện cách tiếp cận của Nhật rất hiệu quả, nhưng sắp tới thì sao? Nó sẽ phụ thuộc vào chiến lược của Mỹ.

Cạnh tranh Mỹ – Trung đã leo thang nhanh chóng. Dưới tình hình này, trong tương lai gần các nước có thể bị buộc phải chọn phe. Theo góc độ quân sự, Nhật rõ ràng nghiêng theo Mỹ.

Tuy nhiên, nếu Mỹ yêu cầu Nhật tách khỏi Trung Quốc về mặt kinh tế, Tokyo sẽ lo lắng về tác động kèm theo đối với kinh tế của mình. Nhật Bản vì vậy cần tăng tốc trong các nỗ lực di dời công ty khỏi Trung Quốc, đưa qua nước khác. Trong trường hợp này, Việt Nam là một địa điểm thu hút.

Đó sẽ là làm thế nào để “tách rời” khỏi nền kinh tế Trung Quốc hoặc đa dạng hóa chuỗi cung ứng mà không gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

N.BÌNH – N.ĐĂNG ghi (Báo tuổi trẻ ngày 19-10-2020)

Đánh giá ngay !