Từ sau vụ việc một người đàn ông Việt Nam bị bắt và khởi tố vì mổ lợn trái phép, cuộc sống khó khăn của các thực tập sinh nước ngoài thu hút không ít sự chú ý của dư luận Nhật Bản. Mới đây, Mainichi Shimbun đã có một bài phỏng vấn với một cựu thực tập sinh 28 tuổi, quốc tịch Việt Nam, đang sống tại chùa Daionji, thành phố Honjo, tỉnh Saitama, ngay trước khi anh này trở về nước. “Ở nơi làm việc toàn là những người xấu”, thực tập sinh này nghẹn ngào kể lại những trải nghiệm ở Nhật trong nước mắt.
Anh ta đã vay khoảng 80 man yên để đến Nhật Bản vào tháng 10/2016, sau đó làm việc cho một công ty xây dựng ở phía bắc tỉnh Kumamoto. Anh cùng hai người khác ở cùng một căn phòng trong một container là nơi được công ty chỉ định. Nhưng phòng tắm thì lại đặt ở bên ngoài. Mỗi khi mùa đông đến gió thổi vào lạnh cóng.
Một tháng, anh sẽ được nghỉ khoảng 4 ngày, lương từ 9 đến 10 man, tuy nhiên do phải trả 2 man tiền nhà ở cho công ty nên chỉ được nhận về 7 man. Khi anh hỏi lại một đồng nghiệp do không hiểu tiếng địa phương của Kumamoto thì bị ném bu lông vào người. Ngay cả khi lên tiếng yêu cầu giám đốc cải thiện môi trường làm việc cũng không nhận được bất kì phản hồi nào. “Tuần sau hãy về Việt Nam đi”. Tháng 9 năm 2017, một năm sau khi đến Nhật, anh bất ngờ bị giám đốc đuổi việc. Trong khi đó, số tiền vay nợ còn chưa trả hết.
Anh đã nghĩ chỉ còn cách trốn đi mới có thể tiếp tục làm việc tại Nhật. Và sau khi nhờ cậy được một người bạn Việt Nam sống ở tỉnh Tochigi, anh đã quyết định bỏ trốn khỏi Kumamoto. Tại tỉnh Tochigi, anh tìm được công việc tạm thời được đăng trên mạng, tuy nhiên phải trả phí giới thiệu cho nhà tuyển dụng. Phí giới thiệu đó anh vay của bạn, sau đó khi nhận được tiền lương lại trả lại. Cuộc sống cứ vay rồi lại trả như thế nên không dư ra được mấy. Tháng 7 năm nay, khi anh tìm được một công việc hàn xì tại thành phố Kumagaya, thì trên đường đi bị một cảnh sát hỏi về công việc. Anh bị phát hiện đang lưu trú bất hợp pháp và bị bắt. Tuy nhiên, sau đó lại được nhận lệnh ”thả tạm thời”. Hiện nay, anh đang nương nhờ chùa Daionji và chờ đợi chuyến bay trở về nước.
“Lúc đầu, cuộc sống thật sự rất khổ cực, nhưng sau khi đến Tochigi, Saitama và ngôi chùa này tôi đã được gặp những người Nhật tốt bụng. Thật tốt khi đã đến Nhật Bản.”, cựu thực tập sinh tâm sự. Vào ngày 14 tháng 11, anh sẽ được trở về quê hương.
Theo Cục quản lý xuất nhập cảnh, tính đến tháng 7 năm 2020, có 12.457 cựu thực tập sinh đang cư trú bất hợp pháp (bao gồm cả những người đang được nhận lệnh “ thả tạm thời”. Trong số này có 8770 người Việt Nam, chiếm khoảng 70%. Nhiều thực tập sinh đến từ các vùng nông thôn nghèo ở Việt Nam, họ phải đi vay 70 man đến 1 triệu yên để tới được Nhật Bản. Mức lương thấp cộng thêm phải dồn về trả nợ khiến họ hầu như chẳng còn tiền trong tay. Năm nay, họ còn bị tác động trực tiếp bởi Covid-19. Không thể về nước vì không có chuyến bay, phải ngủ ngoài công viên,…các thực tập sinh trở nên chật vật hơn trong dịch bệnh.
Trước tình cảnh trên, sư cô Thích Tâm Trí, Chủ tịch Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản đã tập hợp, cưu mang những người Việt Nam khó khăn như thế và kể từ tháng 4, sư cô đã giúp đỡ đưa hơn 300 người về nước. Theo sư cô Thích Tâm Trí, thực tập sinh theo đúng nghĩa là một hệ thống mà ở đó người ta có thể vừa làm việc vừa học các kỹ năng, nhưng họ lại bị đối xử như một lao động khổ sai mà không thể học bất cứ thứ gì. Hiện tại, Nhật Bản đang bước vào thời kỳ thiếu lao động trẻ và cần nhiều lao động nước ngoài nên sư cô mong muốn các thực tập sinh có thể được đối xử bình đẳng như người Nhật.
Tham khảo:
https://mainichi.jp/articles/20201128/k00/00m/040/046000c
https://news.yahoo.co.jp/articles/41dbd73d1c90acc793f06ee270fde228e4c2a27b
Lời bộc bạch về cuộc sống của một thực tập sinh Việt Nam trong đại dịch